“Giải cơn khát” cho vùng trung du miền núi
Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo ở các địa phương thuộc vùng trung du và miền núi. Do điều kiện địa hình phức tạp nên việc canh tác sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về mùa khô tình trạng hạn hán kéo dài khiến cho cây trồng bị thiếu nước tưới, năng suất tụt giảm, thậm chí có nơi còn mất trắng. Giải bài toán khô hạn vẫn là thách thức lớn nhất đối với công tác thủy nông vùng cao trong khi năng lực vận hành của các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nước cho nhiều vùng sản xuất bị hạn hán.
Ở các địa phương vùng cao, mực nước sông suối giữa mùa mưa và mùa cạn dao động khá lớn, độ chênh lệch mực nước khoảng 5 – 7m là phổ biến, có những nơi là 8 – 15m. Việc sử dụng bơm ly tâm có cột hút thấp sẽ dễ bị ngập lũ vào mùa mưa bão. Nhưng nếu lắp đặt máy bơm ở vị trí cao hơn 5m sẽ dẫn đến máy bị treo trõ, không hút được nước, khi nước sông hạ thấp vào mùa cạn.
Máy bơm hút sâu HS 200 -22, hút sâu 6,5m, đẩy cao 18m, đẩy xa 500m tại tỉnh Bắc Giang.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế trên, tại các địa phương cần bơm hút sâu có khả năng lấy nước ở chiều cao hút 7m vào mùa cạn, và không bị ngập úng máy bơm vào mùa mưa. Năm 1996, TS. Trần Văn Công – Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL) Việt Nam đã hình thành ý tưởng nghiên cứu chế tạo bơm hút sâu đạt cột hút chân không lớn 8m, được dùng để lắp đặt ở các trạm bơm ven sông với chiều cao hút địa hình từ 6,5 – 7m. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1997, đề tài “Nghiên cứu nâng cao khả năng hút của bơm ly tâm” mới chính thức được giao nhiệm vụ cho tác giả nghiên cứu.
Về nguyên lý hoạt động, bơm ly tâm hút sâu được phát triển dựa trên các hoạt động về vật lý, cơ học của bơm ly tâm thông thường. Bên ngoài, bơm ly tâm hút sâu hoàn toàn giống với các loại bơm ly tâm thông thường, tuy nhiên chúng được thiết kế để có khả năng tạo ra được cột hút chân không lớn hơn. “Cụ thể, các bơm ly tâm thường chỉ có thể tạo được cột hút chân không thấp từ khoảng 4 – 6m, trong khi các bơm nước ly tâm hút sâu có khả năng tạo nên những cột hút chân không cao hơn, có thể đạt từ 7 – 8m” TS. Công cho biết.
Qua nghiên cứu, thử nghiệm thành công, bơm ly tâm hút sâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều người sử dụng, đặc biệt là một số địa phương, vùng trung du miền núi. Tỉnh Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên “đặt hàng” và triển khai lắp đặt bơm.
Năm 2000, trạm bơm xã Huống Thượng bị ngập lũ sâu 2m, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu tác giả phải lắp đặt máy bơm hút sâu ở vị trí ngang bằng mực nước đỉnh lũ. Qua nghiên cứu địa hình thực tế, tác giả đã làm một giá sắt cao 2m ngang tầm với vết nước lũ trước đó và đặt bơm hút sâu HS200-15 lên sàn thép cho vận hành. Kết quả bơm ly tâm hút sâu làm việc rất tốt, bền và ổn định.
“Vận hành từ năm 2001 đến nay là 2014, máy bơm HS200-15 tại trạm bơm xã Huống Thượng chưa bị hư hỏng kỹ thuật lớn, không bị treo trõ vào mùa cạn, không bị ngập lũ vào mùa mưa, vẫn bơm nước kịp thời phục vụ sản suất, chống khô hạn cho các diện tích gieo trồng”, TS. Công cho biết.
Tiếp nối thành công của lần lắp đặt đầu tiên, tác giả đề tài đã tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu lắp đặt bơm ly tâm hút sâu tại nhiều địa phương khác như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bình Định…
Đánh giá tiến độ triển khai, TS. Công cho biết, từ năm 2001 đến nay, đã có gần 200 tổ máy bơm ly tâm hút sâu các loại được chế tạo và lắp đặt ở 17 tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi với tổng kinh phí tiền thiết bị bơm hút sâu thực hiện trên 20 tỉ đồng.
Tăng mùa vụ, năng suất và thu nhập nông nghiệp
Đánh giá về hiệu quả kinh tế mang lại từ đề tài, TS. Công cho biết, việc sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vùng cao vốn gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ giới hóa và còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Với phương thức canh tác truyền thống, mùa khô bà con nông dân thường trông đợi vào lượng nước mưa tự nhiên hoặc sử dụng các biện pháp chống hạn thủ công để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng dẫn đến năng suất thấp, chất lượng nông sản không cao. Thêm vào đó, người nông dân chỉ canh tác một vụ lúa vào 6 tháng cuối năm thành công nhờ có nước mưa tự nhiên, năng suất chỉ đạt 2tấn/ha/năm. Do vậy, phần lớn nhân dân vùng cao vẫn thiếu đói vào vụ giáp hạt.
Máy bơm hút sâu HS200-15, hút sâu 6,5m, đẩy cao 12m (tưới cho khoảng 20 – 25 ha) tại tỉnh Hòa Bình.
Tại các địa phương có điều kiện ứng dụng bơm ly tâm hút sâu vào phục vụ chống hạn, bà con đã có thể chủ động việc bơm nước để chủ động canh tác 2 vụ/năm. Điều này đã đẩy năng suất nông nghiệp tăng từ 2 – 3 lần/vụ so với trước, thậm chí tại thôn Đồng Chờ, xã Sào Báy, Kim Bôi, Hoà Bình đã cho năng suất tăng từ 5 – 6 lần/vụ.
Ông Nguyễn Văn Cộng, nông dân ở xã Sào Báy (Kim Bôi, Hoà Bình) cho biết, từ khi có bơm hút sâu chống hạn, đời sống gia đình đã được cải thiện đáng kể, thu nhập từ nương rẫy được nâng cao, đặc biệt là không còn cảnh thiếu ăn khi vào mùa giáp hạt. “Do chủ động được lượng nước, gia đình tôi đã tận dụng công lao động nông nhàn, tăng vụ canh tác lên 2 vụ/năm, năng suất lúa, cây hoa màu đều tăng gấp nhiều lần so với trước”, ông Cộng chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, qua hơn 13 năm chống hạn bằng bơm ly tâm hút sâu, hầu hết các địa phương đều đánh giá cao, sử dụng chống hạn có hiệu quả. Đặc biệt, bơm ly tâm hút sâu phù hợp địa hình lắp đặt vùng cao, công tác vận hành đơn giản phù hợp với dân trí và trình độ quản lý của người dân nông thôn. Việc sử dụng bơm hút sâu để chống hạn đã có tác động tích cực đến xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương miền núi cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng. Đề tài đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương vùng trung du và miền núi.