KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VŨ QUANG

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VŨ QUANG

Năm 2002 khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang đổi thành Vườn Quốc Gia Vũ Quang

Với tính đa dạng sinh học cao và với việc phát hiện hai loài thú mới, Vũ Quang đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Và cũng tại đây, du khách có thể thực hiện những chuyến du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao đến thác vũ Môn theo huyền thoại cá gáy hoá hồng… Vũ Quang không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là khu di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oanh liệt, bi hùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng cuối thế lỷ XIX

Địa hình và thuỷ văn

VQG Vũ Quang nằm trên địa phận huyện Hương Khê và Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đây là khu vực cuối cùng của vùng Bắc Trường Sơn. VQG có độ cao dao động từ 30 m đến 2.286 m trên đỉnh Rào Cỏ ở phía động bắc của VQG, nằm dọc biên giới Việt – Lào. VQG Vũ Quang là nơi bắt nguồn của ba lưu vực sông: sông Nam Truồi, sông Rào Nô và sông Khe Tre. Tất cả các con sông đó đều bắt nguồn ở vùng phía nam VQG, với các suối dốc, hẹp và dòng chảy nhanh, chảy xuôi theo hướng bắc, rộng dần và trở nên êm đềm hơn. Ở đây có rất nghiều sông suối, cứ khoảng nửa cây số lại có một con suối. Thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 23°C, lượng mưa nhiều. Mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, nước mưa đổ dồn về các sông Ngàn Trươi, Rào Nổ và suối Khe Tre rồi đổ về Ngàn Sâu.

Đa dạng sinh học

Tại các vùng thấp, cảnh quan của VQG Vũ Quang đã bị tác động trên diện rộng, chứa đựng các yếu tố đặc trưng như làng bản, đất nông nghiệp, trảng cỏ và cây bụi. Có một số mảnh rừng tự nhiên còn lại trên sườn dốc có địa hình đi lại khó khăn, và các cây gỗ, bụi tre nứa mọc rải rác hai bên bờ sông suối. Dọc theo các vùng cao trung bình, nằm sâu hơn bên trong VQG, có các sinh cảnh rừng thứ sinh thưa thớt, và sự hình thành những loạt rừng mới. Tại vùng độ cao giữa 100 và 500 m, phần lớn rừng đã bị khai thác chọn, tuy nhiên, trên 500 m, ở các sườn dốc còn rừng nguyên sinh che phủ.

Có 5 kiểu rừng chính ở VQG Vũ Quang. Rừng thường xanh trên đất thấp, là kiểu rừng từng che phủ phần lớn diện tích khu bảo tồn, phân bố ở đại độ cao giữa 100-300 m ở phía bắc và đông bắc VQG. Rừng thường xanh núi thấp phân bố trong khoảng đai cao từ 300 m đến 1.000 m ở vùng trung tâm VQG cùng một số mảng nhỏ ở phía bắc và đông bắc. Rừng thường xanh trung bình phân bố trên các đai độ cao từ 1.000 m đến 1.400 m, dọc theo dải hẹp, chạy dài liên tục từ phía bắc đến đông nam VQG. Kiểu rừng này ưu thế bởi các loài cây lá rộng, nhưng cũng có một số loài cây lá kim thuộc các học Kim giao Podocarpaceae và Hoàng đàn Cupressaceae, như Pơ-mu Fokienia hodginsii. Rừng thường xanh núi cao phân bố trên các đai cao giữa 1.400 m và 1.900 m trên các sườn dốc và các dông ở phía nam và tây nam VQG. Kiểu rừng này có một số loài cây lá kim, nhưng ưu thế là các loài thuộc họ Côm Elaeocarpaceae, Dẻ Fagaceae, Long não Lauraceae và Mộc lan Magnoliaceae. Tại độ cao 1.500 m, gần biên giới Lào, rừng đặc trưng bởi sự hiện diện của loài Du sam Keteleeria evelyniana. Rừng lùn phân bố trên các đai cao giữa 1.990 m và 2.200 m ở phần tận cùng phía nam VQG. Trên các đai co này, liên tục có mây mù che phủ, lượng ẩm lớn thuận lợi cho việc phát triển kiểu rừng với ưu thế bởi các loài Đỗ quyên Rhododendron spp., cùng với các nhóm loài thuộc họ Dẻ Fagaceae, Long não Lauraceae và Côm Elaeocarpaceae

Động vật ở đây cũng rất phong phú, có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 56 loài cá. Trong đó có 26 loài thú, hơn 10 loài chim, 16 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ. Khu bảo tồn này có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường sơn Bắc .

Năm 1992, VQG Vũ Quang đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học về bảo tồn trên thế giới do ở đây đã phát hiện được loài thú lớn mới chưa từng được mô tả trước đó, là Sao la Pseudoryx nghetinhensis.

sao-la-vu-quang

Tiếp theo đó, vào năm 1993, tại đây lại phát hiện thêm một loài thú lớn mới khác là mang lớn Megamuntiacus vuquangensis (Đỗ Tước et al. 1994). Trong các năm tiếp theo kể từ khi lần đầu có các phát hiện nêu trên, cả hai loài còn tìm thấy với số lượng đáng kể ở nhiều nơi khác ở Việt Nam và Lào. Do vậy, Vũ Quang có tầm quan trọng bảo tồn các loài thú lớn, mới được phát hiện, ngoài ra Vũ Quang cũng đang là nơi sinh sống của các loài thú khác hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu như Bò tót Bos gaurus, Voọc vá chân nâu Pygathrix nemaeus .

Cùng với việc phát hiện các loài thú mới, từ năm 1992, tại VQG Vũ Quang, đã phát hiện được 5 loài cá mà trước đó chưa được mô tả, là: Parazacco vuquangensis, Crosscheilus vuha, Pararhoedus philanthropus, P. equalitus và Oreoglanis libertus. Cuối cùng, tại đây còn tìm thấy 2 loài ếch nhái và 15 loài lưỡng cư có trong Sách Đỏ Việt Nam.

Tổng số 273 loài chim đã được ghi nhận cho VQG Vũ Quang trong số đó có một số loài bị đe dọa tuyệt chủng hoặc sắp vị đe doạ trên toàn cầu, do vậy khu vực đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam. VQG Vũ Quang nằm trong Vùng Chim Đặc hữu Vùng Đất thấp miền Trung. Tuy vậy, ở đây cũng chỉ phát hiện được 3 loài có vùng phân bố hẹp, bao gồm Trĩ sao Rheinardia ocellata, Khướu mỏ dài Jabouilleia danjoui và Chích chạch má xám Macronous kelleyi. Không có loài nào đặc hữu riêng cho Vũ Quang. Thêm vào đó, các kết quả phân tích so sánh với 13 khu bảo vệ khác nằm trong vùng chim đặc hữu này cho thấy rằng VQG Vũ Quang không phải là vùng ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học của khu hệ chim.

Các vấn đề về bảo tồn

Kế hoạch quản lý do Eve soạn thảo (2000), đã chỉ ra hàng loạt các hoạt động khác nhau của con người đe doạ đến đa dạng sinh học VQG Vũ Quang. Phát rừng để canh tác nông nghiệp và phát triển khu dân cư đang huỷ hoại vùng sinh cảnh và gây nên sự gián đoạn độ che phủ của rừng trong VQG. Đi kèm với sự xâm lấn của con người và VQG là việc tăng lên các mối đe doạ chủ yếu đến khu vực như săn bắt, chăn thả gia súc và chặt gỗ.

Săn bắt động vật trong vùng diễn ra phổ biến nhằm mục đích buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã là mối đe doạ trực tiếp lớn nhất đến khu hệ động vật của VQG. Mức độ săn bắt ở Vũ Quang cao và gần như tất cả các loài thú và chim đều có khả năng trở thành là mục tiêu của thợ săn. Chặt gỗ bất hợp pháp xẩy ra trên diện rộng và các đường mòn vận chuyển gỗ có thể dễ dàng tìm thấy trong VQG. Vũ Quang phải đối mặt với nhu cầu về gỗ của 6.000 hộ gia đình trong 8 xã lân cận. Số lượng củi lấy ra từ VQG mỗi năm tương đương với diện tích 428 ha rừng. Trâu bò chăn thả tự do trong VQG vào mọi thời điểm trong năm. Khai thác song mây và tre từ các vùng rừng gần buôn làng. Cuối cùng là việc chiết xuất tinh dầu de từ loài Cinnamomum parthenoxylon và các loài khác là một quá trình phá huỷ hệ sinh thái rừng lớn (Eve 2000).

Xét về khía cạnh cảnh quan, Vũ Quang nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen giữa VQG Pù Mát ở phía bắc và VQG Phong Nha-Kẻ Bàng ở phía nam Vũ Quang cùng với khu bảo vệ Quốc gia Nakai-Nam Theun National của Lào là khu vực có diện tích bảo tồn lớn nhất, có sinh cảnh tự nhiên còn lại được bảo vệ ở gần với khu vực Bắc Đông Dương.