Sao la tại Việt Nam hiện chỉ còn rất ít
Theo các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hiện đã ghi nhận chỉ còn khoảng 160 con Sao la ở Việt Nam, cư trú tại 50 xã, 20 huyện của 6 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam.
Trong đó, khu vực Thừa Thiên-Huế, Tây Bắc Quảng Nam có số lượng Sao la nhiều nhất, khoảng 40 tới 50 cá thể; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An) và khu vực Tây Nam Quảng Bình, Bắc Hướng Hòa (Quảng Trị) mỗi khu có từ 20 đến 30 cá thể; Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) và Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) có từ 5 đến 20 cá thể và rải rác ở các nơi khác khoảng 15 đến 20 cá thể.
Đây chỉ là con số ước tính sơ bộ, tuy nhiên nó cho thấy tình trạng rất đáng lo ngại của quần thể Sao la ở Việt Nam do số lượng cá thể còn ít, phân bố thành các nhóm nhỏ sống rải rác và đang chịu áp lực đáng kể của tình trạng săn bắt và phá hoại sinh cảnh của con người. Bảo tồn Sao la đang là vấn đề được đặt ra cấp thiết ở Việt Nam và được sự quan tâm lớn của các tổ chức bảo tồn trên thế giới.
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là loài thú móng guốc lớn, một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới hiện nay. Sao la có nhiều đặc điểm riêng biệt không giống các loài thú khác. Đặc điểm khác biệt là nơi Sao la ăn không có hiện tượng giẫm nát các cây xung quanh như sơn dương, hươu, nai hay bò; cũng không ủi đất và làm rơi vãi các mảnh vụn thức ăn như lợn rừng và đặc biệt là chúng thích ăn cây môn thục (Schismatoglottis Calyptrata) mà nhiều loài động vật khác không ăn với kiểu vừa đi vừa bứt lá nên vệt kiếm ăn thường kéo thành dải dài trên 10m và các cây môn thục bị ăn đến trụi hết lá chỉ để trơ lại cuống.
Sao la lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 5-1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Còn lần đầu tiên Sao la được ghi nhận dấu vết và hình ảnh thực ở Thừa Thiên Huế vào tháng 1-1998 trong trường hợp một con Sao la đực trưởng thành, trọng lượng 52 kg bị mắc nạn ở thôn Hộ, xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ, chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15 km. Theo ghi nhận hiện trường, con vật bị chó nhà đuổi từ núi Rệ về cánh đồng lúa, sau đó người dân địa phương bắt được rồi báo về Chi cục Kiểm lâm. Rất tiếc con Sao la này chết trước khi các cán bộ chuyên môn đến được hiện trường. Hiện tiêu bản con vật này đang được lưu giữ tại Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế.
Đồng bào Lào đã đánh bẫy được nhưng con Sao la chỉ sống mấy ngày
Theo Sách đỏ Việt Nam vào năm 2007, thì Sao la được xếp vào bậc Nguy cấp (EN). Danh lục đỏ IUCN vào năm 2010 xếp Sao la vào bậc Cực kỳ nguy cấp (CR). Tháng 4-2011, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sao la (Saola Nature Reserve) rộng 160 km2 được thành lập ở Quảng Nam, thông với Khu Bảo tồn Sao la rộng 121 km2 của Thừa Thiên-Huế được thành lập ngày 28 tháng 9 năm 2007, giáp với Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Sao la là loài động vật lớn có vú đầu tiên trên thế giới được phát hiện kể từ năm 1936. Sao la chỉ sinh sống duy nhất tại dãy núi Trường Sơn thuộc Việt Nam và Lào, cụ thể là tại các khu vực thuộc 6 tỉnh ở Việt Nam và 4 tỉnh ở Lào. Mặc dù hiện nay có rất ít thông tin về loài Sao la, nhưng tổng số sao la trên toàn thế giới ước tính chỉ còn không quá 250 con và trên thực tế có thể thấp hơn nhiều.