QUA MÁY BẪY ẢNH MANG QUÝ Ở HUẾ LỘ HÌNH

MANG QUÝ Ở HUẾ LỘ HÌNH QUA MÁY BẪY ẢNH

Trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Tuấn, giám đốc khu bảo tồn, cho biết: sự xuất hiện của mang lớn và các loài đặc hữu khác cho thấy tiềm năng về đa dạng sinh học ở khu bảo tồn này là rất lớn. “Hiện nay quỹ Quốc tế Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đang giúp chúng tôi đặt các bẫy ảnh trong khu bảo tồn để hy vọng có thêm nhiều hình ảnh của loài mang lớn này”, ông Tuấn nói.

Lần theo dấu sừng

Theo tài liệu nghiên cứu của nhà động vật học Đỗ Tước, nguyên thành viên trong một đợt khảo sát năm 1994 do viện Điều tra quy hoạch rừng, bộ Lâm nghiệp phối hợp với đội dự án của WWF Chương trình Đông Dương tại Vũ Quang (Hà Tĩnh) tiến hành, sau sự kiện phát hiện loài mới sao la, đã bắt gặp tại thôn Kim Quang một số cặp gạc của loài thú lạ thuộc họ hươu nai Cervidae.

Nghiên cứu các cặp gạc và căn cứ vào kết quả phân tích di truyền cấu trúc da lông của viện Nghiên cứu động vật thuộc đại học Copenhagen (Đan Mạch), các chuyên gia trong đoàn khảo sát nhất trí kết luận đây là một loài thú mới, khác hẳn các loài thuộc họ hươu nai đã biết ở Việt Nam và trên thế giới. Loài thú này có quan hệ gần gũi với loài mang (hoẵng) Muntiacus muntjak nhưng chẳng những khác biệt với loài mang, mà còn với các loài khác thuộc giống mang Muntiacus và họ hươu nai đã biết.

mang-1

Hình ảnh con mang lớn vừa được hệ thống bẫy ảnh của khu bảo tồn sao la Thừa Thiên – Huế ghi lại (ảnh do khu bảo tồn sao la Huế cung cấp)

Các chuyên gia xác định loài thú này là loài mới thuộc một giống mới và đặt tên là mang lớn (Muntiacus vuquangensis – đặt theo địa danh Vũ Quang, nơi phát hiện đầu tiên, thuộc giống mới Megamuntiacus, họ hươu nai Cervidae). Tên giống cho thấy mối quan hệ với giống mang nhưng nhấn mạnh loài mang mới có kích cỡ lớn hơn.

Đặc điểm nhận dạng

Mang lớn có trọng lượng 40 – 50kg, mặt không có bờm hay túm lông trùm trước trán, lông có màu vàng bóng với những sọc đen chạy dọc xuống đế gạc phía trong trán từ nhánh gạc nhỏ tới suốt tuyến trước trán. Tuyến trán nhô ra, dài khoảng 2cm với bờ mí gấp lên. Dọc tuyến trán có ít lông mịn màu đen, hàng lông dài quanh tuyến đổ về phía sau. Tuyến lệ có dải lông mịn màu sẫm. Thân phần lưng sẫm hơn phần bụng. Từ cổ xuống lưng có một sọc màu sẫm. Túm lông đuôi màu sẫm, mặt dưới đuôi màu trắng. Con đực có sừng (gạc) khá lớn… Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây.

Chưa có dẫn liệu về sinh sản của mang lớn. Chúng sống trong rừng già, rừng thứ sinh, savan cỏ cây bụi… Mang lớn hoạt động ban đêm, sống đơn lẻ, chỉ ghép đôi trong thời kỳ động dục. Vùng phân bố của chúng rộng hơn sao la, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ Nghệ An tới Ninh Thuận, đồng thời cũng được thấy ở vùng Trung Lào. Các mẫu sọ có sừng của loài này đã được tìm thấy ở rất nhiều vùng rừng dọc theo dãy Trường Sơn. Vùng sinh sống của chúng thường chung với loài hoẵng.

Thân dẫu lớn phận vẫn mỏng

Cũng như các loài thú móng guốc lớn khác, mang lớn là một loài quan trọng góp phần vào giá trị đa dạng sinh học độc đáo của đất nước và giúp duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái rừng. Điều này có nghĩa nó cũng đóng góp vào nền tảng thức ăn của các loài thú ăn thịt nguy cấp có tầm quan trọng toàn cầu như hổ, báo.

Mang lớn là loài quý hiếm có giá trị bảo tồn nguồn gen, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam nhưng do chưa có biện pháp bảo vệ nên chúng vẫn bị săn bắn và bẫy bắt thường xuyên, số lượng ngày càng suy giảm. Nạn phá rừng làm nương rẫy, phát triển các vùng cây công nghiệp cũng làm mất nơi sinh sống và hạn chế vùng phân bố của mang lớn.